Thời Hậu Hán Lý_Thủ_Trinh

Năm 947, tiết độ sứ Hà Đông của Hậu Tấn là Lưu Tri Viễn xưng đế, lập triều Hậu Hán. Lúc này Liêu Thái Tông mệt mỏi với việc phản kháng của người Trung Nguyên và quyết định rút về Liêu (tuy nhiên ông ta đã chết trên đường trở về). Lưu Tri Viễn dễ dàng tiến quân về Khai Phong và chiếm lại các vùng đất trước đó của Hậu Tấn.[8] Khoảng mùa hạ năm 947, Lý Thủ Trinh đã thỉnh cầu đầu hàng Hậu Hán. Lưu Tri Viễn vì thế đã cho ông là tiết độ sứ Hộ Quốc (Vận Thành, Thiểm Tây) và ban cho ông chức Trung Thư Lệnh.[9]

Năm 948, Lưu Tri Viễn qua đời và được kế vị bởi Lưu Thừa Hữu. Theo di chiếu của Lưu Tri Viễn, những đại thần cấp cao (Tô Phùng Cát, Dương Bân, Thạch Hoằng Chiêu, và Quách Uy) được giao phó phò tá tân hoàng đế. Lưu Tri Viễn cũng yêu cầu "phải đề phòng Đỗ Trọng Uy" nên các đại thần đã ra lệnh xử tử ông ta sau khi Cao Tổ qua đời.[9] Do có quan hệ bằng hữu với Đỗ Trọng Uy và cả hai từng hàng Liêu trước đó, Lý Thủ Trinh sợ mình sẽ là mục tiêu tiếp theo nên đã ý định tạo phản. Ông tin rằng mình là tướng cũ của Hậu Tấn (Hậu Hán kế tục Hậu Tấn) và cho rằng quân đội Hậu Hán sẽ quay sang ủng hộ mình, đồng thời khinh miệt các nhiếp chính của Hậu Hán. Lý Thủ Trinh gửi thư cho Liêu quốc (lúc đó Liêu chủ là cháu của Thái Tông hoàng đế - Liêu Thế Tông), nhưng lá thư đã bị Hậu Hán bắt được nên các nhiếp chính bắt đầu có sự phòng bị. Lý Thủ Trinh cũng được một nhà sư là Tông Luân ủng hộ khởi nghĩa vì ông này đã dự đoán Lý sẽ thành hoàng đế [10]. Một thầy bói khác nói rằng con dâu ông là Phù thị (con gái Phù Ngạn Khanh, vợ của con trai ông là Lý Sùng Huấn) sẽ là Hoàng Hậu, điều này càng làm ông muốn tạo phản.[11]